Tóc yếu và dễ rụng là một trong những vấn đề liên quan đến tóc khó giải quyết nhất vì có nhiều lý do. Sở hữu mái tóc mỏng không những làm bạn mất tự tin khi giao tiếp, mà nó còn tác động đến sức khỏe tinh thần của chính bạn. Khi bước vào độ tuổi 40, tỷ lệ người có tình trạng rụng tóc thực tế lên đến 40%.
Các yếu tố góp phần gây rụng tóc có thể kể đến như tuổi tác, di truyền từ bố mẹ, rụng tóc do nội tiết tố, điều trị ung thư, nhiễm trùng da đầu, thẩm mỹ tóc, thiếu dưỡng chất hoặc do stress…
Có thể nói cho đến hiện tại, vẫn chưa có phương thuốc kỳ diệu nào có thể giúp tóc mọc lại một cách nhanh chóng. Nhưng qua nhiều nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về việc một số loại tinh dầu thảo mộc có thể ngăn ngừa rụng tóc, thậm chí kích thích tóc mọc trở lại.
Tìm hiểu chung về cấu tạo tóc
Da đầu là một lớp dày được hình thành bởi cả da và tóc, với mật độ nang tóc rơi vào khoảng 100.000 đến 150.000 sợi, cùng các tuyến bã nhờn kèm theo. Sợi tóc có thể được chia làm hai vùng chính: nang tóc và thân tóc.
Nang tóc là một cơ quan nhỏ, điều chỉnh các giai đoạn tăng trưởng của tóc. Phần thấp nhất của nang tóc là củ – nơi sợi tóc bắt nguồn từ quá trình phân chia tế bào. Thân tóc là một phần mở rộng của tế bào sừng hóa được tạo ra trong nang lông.
Đường kính của tóc được xác định bởi kích thước nang tóc, có ảnh hưởng từ sự di chuyển và phụ thuộc vào nguyên bào sợi chuyên biệt. Càng nhiều nguyên bào sợi di chuyển vào nang tóc, đường kính của sợi tóc càng lớn.
Da đầu được bao phủ bởi các axit béo, sản phẩm của quá trình nhũ hóa bã nhờn từ các tuyến bã nhờn, trộn với nước từ tuyến mồ hôi.
Thân tóc là một cấu trúc lipoprotein: biểu bì, vỏ và tủy. Biểu bì dễ bị tổn thương nếu việc thẩm mỹ tóc như hấp, uốn, duỗi lặp đi lặp lại, làm cho tóc bị đứt gãy. Vỏ tóc bao gồm các cấu trúc dạng sợi và các thành phần khác, chẳng hạn như hắc tố, cung cấp màu cho sợi tóc… Trong khi đó, lớp tủy trong cùng là lớp protein mềm, bao gồm một số lượng lớn lipid.
Ngoài ra, còn có màng bọc lipid bên ngoài sợi tóc bao gồm các axit béo, glycolipid, ceramide, cholesterol giúp bảo vệ sợi tóc. Chúng đóng vai trò là một hàng rào ngăn chặn các dị vật xâm nhập vào cấu trúc tóc, giữ lại độ ẩm tự nhiên bên trong của tóc.
Tổng quan về tinh dầu thảo mộc
Tinh dầu thảo mộc là những chất dễ bay hơi, sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất ở thực vật, được chiết xuất từ các bộ phận khác nhau, chẳng hạn như hoa, lá, trái cây, vỏ trái cây có múi, hạt, vỏ cây, rễ… Tinh dầu có thể giống như dầu hoặc lipid, thường có mùi thơm đặc trưng. Chúng hòa tan trong rượu, ether, dầu không bay hơi, nhưng không tan trong nước.
Các thành phần hóa học trong tinh dầu chủ yếu là terpenes (mono-, sesqui- và di-terpenes) cũng như các hợp chất oxy hóa (rượu, oxide, aldehydes, ketone, phenol, axit và ester…). Các terpene nguồn gốc tự nhiên có khả năng gây kích ứng ở mức thấp, cùng với tính ưa ẩm giúp chúng tăng cường quá trình thẩm thấu qua da, thậm chí đi vào hệ tuần hoàn máu trong cơ thể sống.
Mỗi loại tinh dầu có một tập hợp các đặc tính trị liệu tiềm năng dựa trên thành phần hóa học có trong nó. Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một vài loại tinh dầu có ích trong việc dưỡng tóc.
Tinh dầu hương thảo
Tinh dầu hương thảo được coi là một nguyên liệu quan trọng không chỉ trong dược liệu mà còn trong lĩnh vực hương thơm. Trong tinh dầu hương thảo có các thành phần hữu dụng cho tóc như 1,8-cineole, alpha-pinene…
Trong lĩnh vực chăm sóc tóc, tinh dầu hương thảo có tác dụng giãn mạch – kích thích lưu thông máu trong nang tóc, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống đột biến, chống viêm nhiễm cũng như phòng ngừa các tác dụng không mong muốn khi sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc hóa học.
Tinh dầu oải hương
Các thành phần chính của tinh dầu oải hương là linalyl acetate và linalool. Theo truyền thống, tinh dầu oải hương được sử dụng như một chất khử dùng, thuốc thư giãn, thuốc đầy hơi. Mùi hương của oải hương cũng được sử dụng như một liệu pháp an thần.
Với đặc tính kháng khuẩn, tinh dầu oải hương có thể ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn và nấm Malassezia trên da đầu; đặc tính kháng viêm và giảm đau làm dịu da bị kích thích.
Tinh dầu tràm trà
Sở hữu thành phần chính là terpinen-4-ol, dầu tràm có hiệu quả trong việc điều trị mụn nhọt, vảy nến và nhiễm nấm. Đồng thời nó còn kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, thậm chí là chống ung thư da.
Tinh dầu bưởi
Tinh dầu bưởi đã được chứng minh là có nhiều hoạt tính sinh học. Nhớ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, tinh dầu bưởi có thể làm sạch sâu da đầu. Nó cũng giúp loại bỏ bã nhờn dư thừa, thúc đẩy đầu khỏe mạnh và giảm gàu.
Ngoài ra, trong tinh dầu bưởi còn có flavonoid – một chất phytochemical giúp lưu thông máu. Các nang tóc nhận được đủ lưu lượng máu, giúp tóc mọc dày hơn và khỏe mạnh.
Tinh dầu hương nhu
Eugenol chiếm đến 87.68% hàm lượng trong tinh dầu hương nhu, có tác dụng làm giảm rụng tóc do nội tiết tố, chống oxy hóa cũng như kháng khuẩn trên da đầu. Thêm nữa, tinh dầu hương nhu cũng có một lượng nhỏ limonene, có đặc tính kháng nấm, giúp hiệu quả trong việc trị gàu cũng như cân bằng lại hệ vi sinh trên da đầu.
Ngoài các tinh dầu vừa liệt kê bên trên, còn có thể kể đến tinh dầu bạc hà với menthol làm dịu da đầu, tinh dầu hoa cúc với sesquiterpene giúp giảm viêm, tinh dầu phong lữ với linalool và citronellol giúp kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa…
Tác dụng của tinh dầu thảo mộc lên tóc và da đầu
Khá nhiều bệnh lý về tóc liên quan đến lượng dầu quá nhiều trên da đầu. Bã nhờn quá mức ở da đầu tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phát triển và sinh sôi quá mức của các vi sinh vật gây bệnh, chẳng hạn như Malassezia, dẫn đến ngứa, gàu, viêm da tiết bã, giảm lưu thông máu và dẫn đến rụng tóc. Hiện nay, có rất ít hợp chất có thể giảm tiết tuyến bã nhờn. Tuy nhiên, tinh dầu có thể giảm bớt việc tăng tiết bã nhờn từ ban đầu, ức chế sự gia tăng bệnh lý.
Tinh dầu thảo mộc có khả năng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn, cân bằng hệ vi sinh trên da đầu, ngăn ngừa rụng tóc. Các hoạt chất trong tinh dầu thẩm thấu vào da đầu, nuôi dưỡng sâu các nang tóc, bổ sung dinh dưỡng, kích thích nang tóc phát triển, dưỡng ẩm chân tóc. Từ đó giúp tóc chắc khỏe và thậm chí là, loại bỏ hiệu quả các chất chuyển hóa không mong muốn – nguyên nhân của việc tắc nghẽn nang tóc.
Một số loại tinh dầu có thể thâm nhập vào nang tóc, liên kết với các thụ thể kích thích mọc tóc. Dầu hương thảo được ứng dụng làm dịu và mọc tóc, kích thích da đầu. Tinh dầu bạc hà giúp bảo tồn các mạch máu của nhú bì, tạo điều kiện cho sự phát triển của tóc.
Đối với chứng rụng nội tiết tố nam, tinh dầu hương thảo có hiệu quả như minoxidil 2% và làm giảm ngứa da đầu. Rụng tóc nội tiết tố nam sẽ thúc đẩy quá trình oxy hóa, tạo ra một lượng lớn các gốc tự do. Việc tích cực khi ứng dụng tinh dầu là đặc tính chống oxy hóa. Ngoài ra, tinh dầu còn hỗ trợ thông máu trong nang lông bởi đặc tính giãn mạch của nó.
Để tăng tính hiệu quả, các loại tinh dầu còn có thể pha trộn lại với nhau nhằm tăng cường hiệu quả. Chẳng hạn như các loại tinh dầu hương thảo, hương nhu, tinh dầu bưởi, oải hương, tinh dầu tràm trà kết hợp với nhau giúp giãn mạch, lưu thông máu kích thích mọc tóc, làm dịu da đầu, chống viêm, khử trùng, giảm rụng tóc do tiết bã nhờn, điều trị rụng tóc do nội tiết tố nam…
Nhiều tác dụng là vậy, nhưng trong tinh dầu cũng có độc tính nhất định. Các tác dụng không mong muốn thường gặp khi tinh dầu tinh khiết tiếp xúc với da như phản ứng da, viêm da tiếp xúc, nhiễm độc ánh sáng, làm phỏng da, gây thâm da… Vì thế, cần phải pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Nếu chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bạn có thể tìm hiểu qua các sản phẩm nước dưỡng tóc tinh dầu bưởi, nước dưỡng tóc tinh dầu thảo mộc.
Việc kích mọc tóc hay dưỡng tóc bằng tinh dầu thảo mộc không có hiệu quả ngay tức thì. Bạn đừng trông mong việc tóc của bạn sẽ dày lại chỉ sau vài đêm, mà hãy kiên trì sử dụng nó, do chu kỳ hình thành và phát triển của tóc ở giai đoạn đầu (anagen) có thể kéo dài đến sáu tháng. Để có mái tóc bóng mượt, bạn nên sử dụng những loại sản phẩm tinh dầu thảo mộc một cách thường xuyên trong chế độ chăm sóc tóc của mình.